Bảng chữ cái cuộc đời – Chữ A – Ác

Bảng chữ cái là thứ mà một đứa trẻ có thể học một cách dễ dàng ở trường. Thế nhưng khi lớn lên, đứa trẻ đó sẽ học được rất nhiều thứ.  Đó là những bài học từ trường đời. Mỗi người đều có thể có một bảng chữ cái của riêng mình. Và đây là Bảng Chữ Cái Cuộc Đời của riêng tôi…

Chữ A – Ác

Tôi đã đọc đâu đó một câu chuyện kể rằng…

Ngày xửa ngày xưa, ranh giới giữa cái Thiện và cái Ác được phân biệt rõ ràng qua một bức tường. Người tốt ở bên này, còn kẻ xấu ở bên kia. Một ngày nọ, gió bão ập tới và bức tường mỏng manh kia đã bị đánh sập. Trong lúc chờ đợi xây nên một bức tường mới, người tốt và kẻ xấu phải sống chung với nhau. Ban đầu, họ cảm thấy rất khó chịu và không thể chấp nhận được cách sống của nhau. Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, mọi chuyện đã thay đổi. Với sự ma quái, lọc lõi của mình, kẻ xấu đã học được những ưu điểm của người tốt để nguỵ trang bản thân. Còn người tốt cũng nhận thấy rằng chẳng việc gì mà sống tốt với nhau như thế, và bắt đầu biết cân đo đong đếm lợi ích cá nhân. Dần dần, họ thấy cần nhau hơn, và thật sự chẳng cần thiết khi xây lại bức tường ngăn cách. Dần dần, cái Ác trà trộn vào cái Thiện, cái Thiện len lỏi giưã cái Ác. Kể từ ấy, thật khó có thể phân biệt đc Thiện – Ác…

Một câu chuyện có vẻ nhảm nhí nhưng lại khá ý nghĩa. Dù sao đó cũng là cách lý giải đơn giản nhất cho sự tồn tại song hành của cái Ác và cái Thiện.

Luther King đã từng buồn bã nói rằng “Chúng ta xót xa vì những hành động của kẻ xấu và cả sự im lặng đáng sợ của người tốt”. Đúng vậy! Người tốt làm việc tốt, nhưng rồi bị hãm hại, họ dừng lại, im lặng và thờ ơ. Nếu vậy thì không phải tốt. Người tốt chỉ tốt thôi chưa đủ, mà phải giúp đỡ được người khác. Người tốt phải hành động, chứ không thể chỉ lặng im trước cái Ác.

Đến tận bây giờ, tôi cũng không thể định nghĩa một cách trọn vẹn thế nào là Ác. Cũng có thể bởi cái Ác có muôn hình vạn trạng. Cuộc sống đã từng bất công với tôi, đã từng dạy tôi nhiều bài học đắt giá. Và tôi cũng đã chứng kiến nhiều chuyện Ác xảy ra xung quanh. Chúng đơn giản chỉ núp dưới hình thức của những môn “thể thao” như Ném đá giấu tay, Ăn cháo đá bát, Thọc gậy bánh xe, Gắp lửa bỏ tay người, Đè đầu cưỡi cổ, Qua cầu rút ván… Đôi khi tôi băn khoăn không hiểu sao người ta lại cứ làm điều Ác. Vì Tham – Sân – Si mà đạo Phật nhắc đến, hay chỉ vì 1 chữ Ghen dân dã? Có hàng tỷ lý do biện minh cho cái Ác. Điều đó làm cái Ác càng dễ dãi hơn. Thế nhưng, hãy nghĩ đến luật Nhân – Quả.

Thử phân tích thế này :

Nếu X ác với Y thì sẽ có những hệ quả sau :

  1. Y sẽ ác lại với X. Cả 2 bên cứ trao đổi cái Ác qua lại và hủy hoại nhau.
  2. Y sẽ ác với Z. Cứ thế cái Ác được nhân rộng như một thứ bệnh dịch.
  3. Y bảo với X rằng “Mình biết bạn đang ác với mình, mà mình lại không hề ác với bạn, vậy thì bạn đừng làm thế nữa.”  Như vậy cái Ác dần sẽ yếu đi.

Chúng ta không thể loại bỏ cái Ác, thì ít nhất,  hãy hạn chế nó!

Có lẽ cho đến khi tôi học thêm nữa để có được một định nghĩa đích xác về chữ Ác, thì tôi mới nhận ra được cái Ác và mới tránh cho tôi không Ác. Cho đến lúc đó, tôi chỉ biết làm những việc tối thiểu nhất. Đó là tiếp tục không căm ghét ai, không hãm hại ai, và làm việc tốt…

Bởi khi làm việc tốt, dù Phúc chưa đến nhưng Họa đi xa rồi.

Còn khi làm điều Ác thì dù Họa chưa đến nhưng Phúc đã đi xa lắm rồi…

P.S.  “Dòng Chữ không hề vô tri vô giác, chúng là tâm hồn của người viết. Sứ mệnh của người viết là đừng để chúng chết ngay khi mới sinh ra, nhưng sức khoẻ của những dòng chữ lại phụ thuộc vào người đọc. Chúng sẽ mạnh mẽ khi gặp người này, và cũng có thể trở nên què quặt khi gặp người khác. Nguyên nhân chính luôn nằm ở Nhận Thức!” – Trích dẫn của một người có tên là NMBT.