Cái chết

Philly cemetery, Pennsylvania, USA
Philly cemetery, Pennsylvania, USA

Câu chuyện của tôi ngày hôm nay bắt đầu từ một lễ tang…

Nhìn bác trai nhắm mắt thu mình trong chiếc quan tài chật chột, đối lập với tấm ảnh thờ với khuôn mặt nghiêm nghị mà đầy sức sống, tôi nhớ lại những hình ảnh của bác bao năm qua. Chợt nhận ra, phần lớn thời gian gặp tôi, bác đều ở trên giường bệnh. Bác bị tai biến đã mấy lần, thường xuyên phải nhập viện. Có lần vào viện thăm bác, ngón tay bị dằm, bác kêu đau mà chẳng để ai động vào. Tôi nắm bàn tay gầy gò xương xẩu của bác, trò chuyện một lúc rồi bác mới để tôi lấy cái dằm ra, và cắt móng tay cho bác. Bác có vẻ bề ngoài khó tính, khó gần nhưng thực ra rất tình cảm. Lúc ấy, thương bác, tôi chỉ muốn khóc òa mà vẫn cứ tươi cười! Bệnh viện trả bác về, bác nằm liệt giường, cùng cái tivi trước mặt và chỉ đòi xem chương trình thời sự, để sống với những ký ức về quá khứ đáng trân trọng của một nhà ngoại giao chân chính. Bác gái không may bị ung thư đi trước, lúc đó tôi ở xa không về nhìn mặt bác gái được lần cuối, tôi thấy có tội! Bác trai nằm cạnh bàn thờ bác gái, có lúc tôi thấy nước mắt bác rơi. Tôi cứ nghẹn chặt ở cổ họng… Sau bác yếu dần, chẳng nói được nữa, tôi đến thăm, bác có nhận ra cũng chỉ gật đầu và nắm tay tôi. Rồi những cái nắm tay cũng lơi dần. Bác đi hụt mấy lần, còn lần này bác đi thật rồi…

“…Bác ơi, bác đi theo bác gái an nghỉ nơi chín suối nhé! Kiếp này đã qua, con mong kiếp sau được làm con của hai bác! Con nhớ hai bác quá! Nhớ những tháng ngày ở đất nước xa xôi, hai bác khoẻ mạnh, tươi cười, ân cần và luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất! Với con, đó là quãng thời gian đẹp đẽ và hạnh phúc mà con sẽ không bao giờ quên!…”

Rồi bỗng một hôm bác bị ốm, vào viện, được chăm sóc rất chu đáo! Đó cũng là lần đầu tiên, tôi bước vào một bệnh viện ở nước ngoài! Kể từ đó, chẳng bao giờ tôi sợ bệnh viện nữa…

Tôi chợt nhớ đến một người đàn ông cũng không may bị liệt do tai biến mà tôi tình cờ gặp trong một khu dưỡng lão trong chuyến đi Mỹ vừa qua. Ông ngồi trên xe lăn ủ rũ ở một góc sân. Xung quanh ông là những người già với nhiều màu da khác nhau. Vàng, trắng, đen, nhờ nhờ, mốc meo… Họ tự di chuyển ra ngoài sân hóng nắng, hóng gió, hóng chuyện và hóng mặt người. Họ cô đơn và buồn tủi! Nhìn họ như những thân cây già cỗi, cố vươn chút cành lá còn sót lại về phía mặt trời, để quang hợp, hô hấp, để biết là mình chưa chết. Có người thì lại thu lu trong một góc bóng râm, như sợ ánh nắng làm tổn thương mình! Người đàn ông kia khoảng 60 tuổi, là người quen của bạn tôi. Mới đầu cũng chẳng biết gì nhiều về ông, sau được bạn giới thiệu sơ qua, tôi cứ đánh liều hỏi chuyện. Nhìn ông, tôi có thể cảm nhận được cái thứ vầng hào quang vang bóng một thời bủa vây quanh ông nhưng mờ nhạt và yếm khí. Chúng tôi đưa ông ra ngoài đi dạo, đến quán ăn nhưng ông có vẻ không cần đồ ăn. Ông ăn không khí, ăn câu chuyện, ăn hơi người là đủ. Lúc chuẩn bị về, ông ngập ngừng muốn đến thăm một quán café cũ. Ở Mỹ, các quán café người Việt đều rất phóng khoáng. Những cô gái ăn mặc hấp dẫn, giọng nói ngọt ngào cứ nhiệt tình trò chuyện với khách. Chẳng biết họ có làm gì nữa không, mà có hay không cũng chẳng quan trọng. Quan trọng là khách tới đây, chỉ cần trò chuyện mấy câu thôi là đã cảm thấy thoải mái, quên đi những gánh nặng ở bên ngoài cánh cửa kia. Bước vào đó như là một thế giới khác, hoặc giả như cái động tiên huyền bí, nơi có những cô tiên cứ lả lướt thướt tha bay ngang mặt người, xướng lên những âm thanh thánh thót như một bài ca hân hoan nào đó mà ai cũng có thể bắt được nhịp. Quán này có hai cô gái khá thú vị. Cô chị có mái tóc đen dài, chiếc mũi sửa cao thon gọn trên khuôn mặt xinh xắn đã được che bớt nếp nhăn. Cô em kém sắc hơn nhưng lại cá tính hơn, cứ mỗi lần bê đồ ra cho khách là y như rằng chỉ bê có một tay, tay còn lại nhất định phải đút túi quần. Họ thay nhau trò chuyện với khách như những người bạn tâm giao từ lâu. Ở một góc khác, một đám người Việt đang say sưa cái thú đánh bạc ăn sâu vào máu. Đất Mỹ chẳng buồn thanh lọc họ, thậm chí còn tiếp thêm cho họ sự say mê trong bất cứ việc gì họ làm, nhất là việc đánh bạc. Chẳng trách được, bởi những con người ấy họ còn mang cả chính mạng sống của mình ra để chơi canh bạc cuộc đời khi vượt đại dương sang đây. Có lẽ họ chẳng còn sợ chết nữa! Chia tay người đàn ông trên xe lăn, tôi ra về mà không quên được đôi mắt buồn của ông…

Tôi không biết có bao nhiêu người đi du lịch mà vào thăm bệnh viện, khu dưỡng lão và nghĩa trang như tôi. Bởi tôi luôn muốn tìm hiểu và khám phá những góc khuất, những mảng màu tối ở những nơi tôi đi qua. Tại Philly, ngay tại khu phố cổ, người ta dành một khoảng đất làm nghĩa trang. Ở đó cờ cắm còn nhiều hơn cả bia mộ. Người chết hầu hết là từ Nội chiến Mỹ. Có lẽ khí âm mạnh nên ngay chính giữa mọc một cây đẹp mê hồn, lá ngả màu tía khi trời chín thu. Còn ở Albany, có một nghĩa trang tên là Sunset – một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất vùng này, nhìn ra vịnh San Francisco và Golden Gate. Cũng chẳng biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào, tôi lại tình cờ lạc bước nơi đây. Đôi chân chỉ biết hướng về phía trước, leo núi để ngắm hoàng hôn, mà lang thang lại tới cái nghĩa trang này. Những ngôi mộ trải đều trên sườn đồi. Mỗi bia mộ là hình khác nhau. Chỗ thì cây thánh giá nằm nghiêng, chỗ thì có bông hoa đá ôm chặt, chỗ như một cuộn giấy tròn, chỗ thì mấp mô hình thù kỳ quái, chỗ lại chỉ bằng phẳng như một phiến đá trơn láng. Tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ ở giữa, một mình nhưng không hề cô đơn. Một vài bạn nai và bạn sóc rủ nhau đi dạo quanh đó, ngơ ngác nhìn tôi. Tôi mỉm cười nhẹ chào các bạn…

Trước đó, khi rảo bước từ khu trung tâm, tôi đi sau hai cụ bà tóc bạc phơ sánh bước đỡ nhau đi dạo. Tôi buộc phải xin lỗi để vượt lên. Tới lúc xuống chân đồi nghĩa trang, tôi lại gặp hai cụ đang đi lên. Chúng tôi chỉ kịp mỉm cười và chào nhau. Tất nhiên, họ chẳng biết là tôi lên thăm mộ ai, họ lại càng không biết tôi chỉ lạc vào đây và chỉ ngắm hoàng hôn cùng người chết! Và đó không phải là một sự buồn rầu, ủ dột, mà thực sự là một cảm giác bình yên, thanh thản đến lạ kỳ…

Quá sớm đối với tôi để nói về cái chết! Nhưng nhìn những con người xung quanh tôi, đã, đang và sẽ lần lượt ra đi, tôi tự nhủ lòng mình! Tôi sẽ cố gắng sống để đến khi chết đi, thật thanh thản như thế…

P.S. Chúc một nửa thế giới ngủ ngon!

Bình luận về bài viết này