GS. Ngô Bảo Châu

Tôi viết về ông vì nick ở trang wordpress này, tôi có cùng họ với ông : Thích Học Toán và Thích Thì Viết.

Tôi viết về ông vì khi tôi hỏi “hiện tại ai là người VN đáng kính nhất?” thì 8/10 câu trả lời tôi nhận được là GS. Ngô Bảo Châu.

Tôi viết về ông, vì chính ông bảo tôi rằng “Hãy viết về những người xung quanh mình”.

Tôi viết về ông không dựa trên những con số thuật toán của ông, hay những gì người ta viết về ông nhan nhản trên mạng. Tôi vẽ chân dung ông bằng những con chữ của tôi.

Cách đây 2 năm, cái ngày mà tên của ông được cả thế giới biết đến khi ông đón nhận giải thưởng Fields danh giá là một ngày làm việc rất vất vả của tôi. Lúc đó tôi còn là BTV của VTV1. Suốt từ sáng tôi đã nghe đến rát tai tên ông trên tivi, rồi tôi phải ngồi đọc và cập nhật rất nhiều thông tin về tiểu sử của ông, phải tung hô ông, viết về ông và giải thưởng lớn của ông để đưa vào chương trình của tôi. Ngày đó, dù tự hào lắm nhưng tôi có cảm giác hơi bực mình…với ông.

Một năm sau, tôi gặp ông lần đầu tiên trong một bữa tiệc thân mật của một nhóm trí thức HN đón tiếp ông nhân dịp ông về VN. Tôi giật mình vì ông trông già hơn trong ảnh khá nhiều. Mọi người vẫn khen ông trẻ, nhưng tôi không thấy vậy, không đúng là ông mà tôi đã nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông. Có lẽ vì thần thái của ông, mà sau này tôi mới biết được nguyên nhân…

Ông thích chuyện trò và rất hay cười. Người ta thấy ông là người lạc quan, còn ông thì thấy mặt ông không cười trông như…cái mâm, nên ông phải cố cười cho đẹp.

Ông gọi Bổ đề đoạt giải thưởng Fields là một bài hát, khi giảng bài là ông đang hát. Suốt 2 năm qua, ông đã phải hát đi hát lại bài này không biết bao nhiêu lần. Ông bảo rằng “Đến một lúc nào đó, bạn làm toán không phải vì điều gì cả, mà chỉ vì bạn thích!” Đúng vậy, làm toán hay bất kì việc gì cũng vậy thôi. Làm vì thích, vì đam mê mới đem lại thành công. Thế nhưng, khi lên đến đỉnh cao, người ta dường như bị mất phương hướng…

Nếu như Darwin nổi tiếng với câu “Bác học không có nghĩa là ngừng học”, Lenin với câu “Học, học nữa, học mãi” thì Ngô Bảo Châu sẽ nổi tiếng với câu “Học là để làm mới mình”. Và Học là lời khuyên mà ông thường dành cho sinh viên. Chính bản thân ông cũng đang tiếp tục học những bài học mới của cuộc đời…

Ông vốn không thích làm lãnh đạo, mà đúng là tuýp người như ông thì tốt nhất không nên làm lãnh đạo. Vì ông phải bắt người này làm việc này, người khác làm việc khác, ông không thích điều đó. May thay, ở nước ngoài, người ta không bắt ông làm lãnh đạo. Người ta để yên cho ông tha hồ sáng tác bài hát…

Trái với những thuật toán khô khan, ông là người tình cảm. Bất kì ai cũng có thể cảm nhận điều này chỉ cần đọc wordpress của ông. Ông dành cho gia đình và bạn bè một thứ tình yêu dịu dàng và bình tĩnh. Cùng với đó, nhu cầu được yêu thương của ông cao hơn người khác, có thể là bệnh của người nổi tiếng. Cũng bởi ông khác người bình thường đến kỳ lạ, khó hiểu và đáng mến. Ông viết một lời chúc như sau “Chúc mừng bạn tròn 2/40 thiên niên kỷ và sống 38/40 thiên niên kỷ còn lại thật hạnh phúc với tim tràn ngập niềm vui”. Tôi tính mãi mới ra, bạn của ông tròn 50 tuổi! Còn một nhà toán học đỉnh cao như ông tính nhanh đến nỗi, để tiết kiệm thời gian, ông có thể mua một lúc 5 đôi giầy để đi trong vòng vài năm tới mà không phải ra hiệu giầy nữa. Hay như việc ông luôn biết an ủi người khác một cách thông thái. Ví dụ, ông sẽ đến gặp mấy cô chân to và an ủi rằng “Ừ thì đúng là chân dài và nhỏ thì đẹp hơn, nhưng chân to thì…sống lâu hơn, mà sống lâu mới là quan trọng nhất!” Đó cũng là lý do mà ông không quan tâm lắm đến các bạn chân dài, trừ bạn…lạc đà. Khi đi sở thú, ông thấy con lạc đà hiền hiền ngu ngu mà thấy đồng cảm. Nếu thế thật thì có lẽ lạc đà đã giải Bổ đề hộ ông từ cách đây mấy trăm năm trước… Sở thích của ông là các con vật trông không được thông minh lắm như Cừu, Bò, Lạc Đà… Ngay cả khi con Cừu chỉ biết đi theo lề, con Bò chỉ biết ngây ngô và con Lạc Đà chỉ thèm uống nước. Đúng vậy, người ta thường thích những gì mình không có…

Ông không chỉ làm toán mà còn làm thơ, viết văn hay chẳng kém gì nhà văn, nhà thơ thực thụ nào. Trong văn thơ của ông kiểu gì cũng phải có mùi toán học. Ông đã từng gửi cho tôi bản thảo “Ai và Ky”. Sự logic trong tư duy của ông mạnh đến nỗi ông cứ băn khoăn suy nghĩ mãi về một chi tiết. Để hợp lý hoá phần sau của câu chuyện thì Elaci – bạn trai của Alice phải bị bắt, nhưng ông không tìm được lý do Elaci tự dưng bị bắt. Nhà toán học đâu phải lúc nào cũng cần lý do! Tôi bảo rằng với vị thế của ông bây giờ, ông viết sách nào ra cũng thành hot hết, mà sách cần gì logic. Ai cũng hiểu điều đó, chỉ có ông cứ băn khoăn. Rồi ông viết tiếp, chẳng thêm lý do nào. Và cuối cùng thì các bạn NXB tha hồ in ấn vì sách bán quá chạy. Một cuốn sách mà người ta khi đọc có thể chả hiểu vì sao nhân vật tên là Ai và Ky, hay những thuật ngữ toán học khó hiểu trong xứ sở những con số tàng hình. Thế nhưng, cũng giống như các tác phẩm dành cho thiếu nhi và cả người lớn như “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils”, “Thế giới của Sophie”, điều đọng lại chính là ở những bài học rất Đời.

“Hãy lắng nghe người khác nói nhưng suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Cuối cùng và quan trọng nhất là đừng bao giờ để rơi mất tiếng cười hồn nhiên.”

Tiếng cười hồn nhiên nhất của ông mà tôi từng nghe thấy, đó là lúc ông ngắm nhìn cậu bé Ngô Bảo Châu học cấp I trong tấm ảnh cũ rích. Lúc đó chắc hẳn ông muốn có một vé đi tuổi thơ, hơn là tấm vé tới Mỹ…

Tôi có thể tính được khoản tiền lương mà ĐH Chicago trả cho ông, nhưng tôi không thể biết được giá trị thực sự là ông mang lại cho đất nước Việt Nam này một cách vô tư lự.

Tôi tin, ngoài phần không đáng kính của một con người bình thường ra, thì ông là người VN đáng kính nhất vào thời điểm hiện tại.

P.S. Bởi vì tôi luôn tin vào con người, mặc dù vẫn biết là con người chẳng đáng tin tẹo nào!

1 bình luận về “GS. Ngô Bảo Châu

  1. …và cũng k nên suy nghĩ nhiều quá ! Vì sao ư ?
    Cuộc sống thật phức tạp, nếu bản thân mình tin như vậy. Nhưng nhiều người thấy cuộc sống thật thú vị…Con người, kể cả các thiên tài, khả năng của họ không phải là vô hạn, con người vẫn bất lực với nhiều hiện tượng tự nhiên, trong mọi lĩnh vực…Vậy, suy nghĩ nhiều làm gì, tự ta làm phức tạp hóa chính cuộc sống của chúng ta. Thay vì tập trung nhìn vào, nhận ra cái xấu xa: sự phản bội, sự lừa đảo…, chúng ta nên tập trung vào những thứ tốt đẹp…Bất cứ ai, kể cả những người xấu xa nhất, cũng có những điểm tốt của họ, và ta có thể học được ở bất cứ ai một điều gì đấy.
    Cuộc sống vốn rất tươi đẹp & không phức tạp đến thế. Hãy lạc quan, hãy tin yêu…,điều đó tốt cho bạn, cho tôi & cho mọi người !

Bình luận về bài viết này